Fotoget blogspot homepage

Đếm sóng Elliott cổ phiếu REE và dự đoán

Lẽ ra mình không viết bài này, nhưng do 2 bài đếm sóng trước còn quá khô khan, dường như nhiều người vẫn chưa hiểu thấu đáo về cách đếm sóng nên mình viết thêm bài thực hành này để làm rõ hơn vấn đề.

Để đọc bài học này, yêu cầu bạn phải đảm bảo đã đọc xong hai bài học này:
Lý thuyết sóng Elliott
Sóng Elliott dựa vào MA và Fibonacci, thực hành đếm sóng thị trường chứng khoán toàn cầu

Đầu tiên chúng ta lấy toàn bộ dữ liệu của REE, thông thường lấy khoảng 10-12 năm cũng đã là nhiều rồi. Vì thông thường khoảng 10 năm là thực hiện xong sóng tăng chính và sóng giảm chính. Rồi bắt đầu quay trở lại sóng tăng chính.


Theo lý thuyết Dow, đầu tiên chúng ta có các sóng tăng chính và các sóng giảm chính. Theo lý thuyết sóng Elliott thì sóng tăng chính thì được chia làm 5 con sóng nhỏ hơn gọi là 5 con sóng dài hạn: 1,2,3,4 và 5. Sóng giảm chính thì được chia làm 3 con sóng dài hạn: a, b, c. Từ các con sóng dài hạn 1,2,3,4,5,a,b,c lại chia làm các con sóng trung hạn nữa. Và các con sóng trung hạn lại chia làm các con sóng ngắn hạn. Thậm chí các con sóng ngắn hạn ở một số thị trường còn chia làm các con sóng siêu ngắn hơn nữa. Ở phân tích cổ phiếu chúng ta không phải để mắt tới các con sóng siêu ngắn làm gì, vì cổ phiếu chúng ta giao dịch theo phiên, không giao dịch liên tục như forex, nên đơn vị nhỏ nhất là cây nến ngày. Ở forex còn có các đơn vị nhỏ hơn nến ngày, nến 4 giờ, nến 1 giờ, nến 30 phút, nến 15 phút, nến 5 phút, nến 1 phút. Nên sóng ngắn hạn còn có thể chia nhỏ ra làm nhiều lần nữa. Ở phân tích cổ phiếu chúng ta chỉ quan tâm: sóng chính, sóng dài hạn, sóng trung hạn và sóng ngắn hạn thôi.

Không phải cổ phiếu nào cũng đếm sóng được, một cổ phiếu mà các cổ đông tham gia giao dịch biết về sóng Elliott thì mới đi theo mô hình sóng và mới có thể phân tích sóng Elliott cho cổ phiếu đó được. Nếu cổ phiếu đi theo sóng Elliott thì khi phân tích chúng ta sẽ nhìn thấy được các hướng đi sắp tới của cổ phiếu, làm chúng ta tự tin hơn trong giao dịch. Một số cổ phiếu lên xuống không theo một trật tự nào cả, và không theo sóng Elliott là do các cổ phiếu đó được đội lái không rành về sóng lái, nên chính vì thế chúng ta không nhìn thấy được đội lái sẽ lái cổ phiếu đó như thế nào. Một cổ phiếu không đi theo sóng thì đội lái sẽ lái mệt hơn vì không được sự ủng hộ của đám đông, và có thể sẽ lái thất bại hoặc khó khăn hơn. Nên nếu đội lái có chút kiến thức hẳn sẽ lái theo sóng Elliott để ai cũng nhìn ra và ủng hộ, khi đó việc lái dễ dàng và không tốn quá nhiều sức lực để lái. Chính vì thế biết được sóng Elliott trong một số trường hợp có được ngôn ngữ chung với đội lái. Đội lái thường không muốn giấu bài làm gì, họ muốn phơi bài mọi thứ ra để mọi người theo đó mà tự tin mua bán theo họ, từ đó họ không tốn nhiều tiền của mà cổ phiếu vẫn tăng giảm được theo ý đồ của họ.

Với những cổ phiếu đếm sóng không được, chúng ta đừng cố đếm sóng nhé. Hãy đếm sóng VNindex và HNXindex để biết được sóng thị trường, từ đó mà mua bán các cổ phiếu đó theo sóng của thị trường. Khi thị trường có sóng, thì các nhà đầu tư lớn cũng muốn nương theo sóng đó mà đưa giá cổ phiếu của họ tăng theo. Khi thị trường không có sóng tăng, việc đưa giá cổ phiếu tăng xảy ra khó khăn hơn nhất là khi thị trường có sóng giảm, việc đưa giá cổ phiếu tăng trở nên khó vô cùng. Chính vì lẽ đó việc đếm sóng VNindex và HNXindex cũng giúp cho ta được ít nhiều. Tóm lại ý này là không phải cổ phiếu nào cũng đếm được sóng Elliott, nếu đếm không được thì đừng cố đếm nhé!

Tuy nhiên, do kiến thức của các nhà đầu tư hiện nay cũng đã nâng cao. Các đội lái cũng đã khôn ra và tận dụng được sóng Elliott để lái cổ phiếu. Nên hiện nay, các cổ phiếu đi theo sóng Elliott cũng đã nhiều hơn, nhất là ở các cổ phiếu lớn.

Có lẽ đã lạc đề hơi nhiều, giờ chúng ta quay lại đếm sóng cổ phiếu REE hehe...

Chúng ta vạch ra các sóng chính. Màu xanh dương là sóng tăng chính. Sóng tăng chính này có thể chia làm 5 con sóng dài hạn. Tuy nhiên trên hình không có chia ra 5 con sóng dài hạn, bạn có thể tự chia lấy nếu muốn. (Thật ra Tuyethoaphanus cũng không chia được 5 con sóng dài hạn cho con sóng chính màu xanh dương, có lẽ thời đó trước 2005 người VN còn dở TA nên REE đã không đi theo sóng Elliott ở giai đoạn sóng chính màu xanh dương đó). Sau con sóng chính màu xanh dương chúng ta có con sóng giảm chính màu đỏ. Con sóng này có thể dùng MA200 để phân ra thành 3 con sóng dài hạn a,b,c như trên hình. Cắt xuống MA200 ta có sóng dài hạn a, cắt lên MA200 ta có sóng dài hạn b, và cắt xuống MA200 ta có sóng dài hạn c.

Sau sóng giảm chính lại tiếp tục sẽ là con sóng tăng chính. Con sóng tăng chính hiện tại được vẽ thành con sóng màu xanh lá cây. Giờ chúng ta phân tích sóng tăng chính xanh lá cây này. Chúng ta phân tích con sóng tăng chính màu xanh lá cây bắt đầu từ điểm màu tím trên hình.

Con sóng tăng chính sẽ được chia ra làm 5 con sóng dài hạn: 1,2,3,4 và 5. Nên nhớ xác định sóng chính trước, sau đó đếm tới sóng dài hạn, sau đó đếm sóng trung hạn và cuối cũng là sóng ngắn hạn. Tuyệt đối không đếm sóng ngắn hạn khi chưa biết sóng trung hạn. Và không đếm sóng trung hạn khi chưa biết sóng dài hạn.

Đầu tiên chúng ta chưa xét đến đúng hay sai, cứ đếm theo MA200 để có các sóng dài hạn trước. Cứ mỗi lần cắt MA200 ta có một sóng dài hạn. Vậy chúng ta đếm được như trên hình. Đầu tiên chúng ta có sóng 1 dài hạn màu xanh dương. Sóng 1 bắt đầu từ giá 6000, cắt MA200 tại giá 9000, và đạt đỉnh sóng 1 dài hạn tại 21400. Tương tự từ đỉnh 21400 giảm và cắt xuống MA200 ta được sóng 2 dài hạn mà đỏ. Rồi giá tăng trở lại cắt lên MA200 ta có được sóng 3 dài hạn màu xanh lá cây như trên hình. Vậy là xong giai đoạn đếm thô. Sau đó ta xét đến yếu tố hợp lệ, xem đếm như vậy có chuẩn và đúng chưa.

Giờ chúng ta bắt đầu xem xét liệu sóng 2 điều chỉnh giảm như vậy có hợp lệ không? Chúng ta biết Fibonacci Retracement là công cụ đo sóng điều chỉnh. Một sóng 2 giảm hợp lệ là giảm nhiều hơn Fibonacci 23.6% và giảm ít hơn Fibonacci 61.8%. Để biết được cách tính này chúng ta xem lại bài Fibonacci Retracement nhé!

Ta điểm sơ lại cách tính:
Sóng 2 là sóng điều chỉnh của sóng 1. Nên chúng ta dùng số liệu của sóng 1 để đo độ điều chỉnh của sóng 2.
Sóng 1 tăng từ 5900 lên 21400
Vậy độ cao sóng 1 = 21400-5900=15500 (15500 là độ cao sóng 1)

Độ giảm:
23.6% của sóng 1 = 15500 x 23.6/100 = 3658
61.8% của sóng 2 = 15500 x 61.8/100 = 9579

Từ 21400 giảm xuống, và giảm theo các độ giảm sẽ có được:
Fib 23.6% = 21400 - 3658 = 17742 ~ 17700
Fib 61.8% = 21400 - 9579 = 11821 ~ 11800
Vậy điểm cuối sóng 2 phải nằm trong khoảng 17700~11800. Nếu lớn hơn 17700 là bất hợp lệ, nếu nhỏ hơn 11800 cũng là bất hợp lệ. Trên hình ta thấy, REE giảm sóng 2 xuống mức 7200, giảm quá nhiều, nằm ngoài khoảng hợp lệ. Nên việc đếm sóng 1, 2 như thế là đã sai theo lý thuyết sóng Elliott. Mở rộng: nếu sóng 2 chỉ giảm về 18000 cũng không hợp lệ. Do vậy xem như giai đoạn này là sideway, không đếm sóng.


Trên hình mình có vẽ khoảng giảm hợp lệ cho sóng 2. Các bạn tham khảo cách tính để biết, nếu dùng phần mềm hơặc đồ thị của cophieu68.vn thì sẽ hỗ trợ vẽ các Fibonacci Retracement, chúng ta không cần phải ngồi tính nữa.

Vậy giai đoạn sideway chúng ta sẽ không đếm sóng và chúng ta sẽ có sóng dài hạn của REE như hình vẽ dưới đây.


Bây giờ chúng ta đi sâu vào đếm sóng trung hạn cho REE nhé:

Vậy chúng ta đếm REE như hình trên, sóng 1 dài hạn màu xanh dương như hình trên, ta thấy REE hiện nay đang ở sóng 2 dài hạn. Ta thấy sóng 1 được phân ra thành 5 sóng trung hạn màu xanh chuối như trên hình vẽ dựa vào MA50. Sóng 2 dài hạn dựa vào MA50 cũng được phân thành 3 sóng trung hạn a, b, c màu vàng cam như trên hình vẽ.

Ở sóng 1 dài hạn ta thấy, cắt lên MA50 ta có sóng 1 trung hạn, cắt xuống MA50 ta có sóng 2 trung hạn, cắt lên MA50 ta có sóng 3 trung hạn, cắt xuống MA50 ta có sóng 4 trung hạn, cắt lên MA50 ta có sóng 5 trung hạn. 5 sóng trung hạn này có màu xanh chuối như trên hình.

Ở sóng 2 dài hạn ta chia làm 3 sóng trung hạn a, b, c màu vàng cam như trên hình vẽ. Ta thấy, cắt xuống MA50 ta có sóng a, cắt lên MA50 ta có sóng b, và dự đoán cắt xuống MA50 ta sẽ có sóng c. Nhìn lên hình ta thấy, sóng a đã hoàn tất, sóng B hiện tại chưa kết thúc, và sóng c chưa có. Nên ta đi đến kết luận sóng Elliott của REE hiện tại như sau:
Dài hạn: sóng 2
Trung hạn: sóng b
Ngắn hạn: sóng c. (Dùng MA14 sẽ thấy sóng b trung hạn được chia ra: sóng a ngắn hạn rồi, sóng b ngắn hạn rồi, đang ở sóng c ngắn hạn, phần này không được biểu diễn trên hình, các bạn tự nhìn ra nhé)

Đến đây chúng ta đã biết được sóng dài hạn và sóng trung hạn của REE, vậy sau khi đạt đỉnh sóng b, REE sẽ giảm sâu về sóng c. Nên chúng ta thấy nguy cơ giảm mạnh của sóng này. Sóng b thì dĩ nhiên không thể cắt lên MA200 rồi. Nếu cắt lên MA200 thì xem như kết thúc sóng 2 dài hạn và bước qua sóng 3 dài hạn. Nếu lúc này cắt lên MA200 thì sẽ đi vào sóng 3 dài hạn, và như vậy làm cho sóng 2 dài hạn thiếu sóng b trung hạn lồng trong sóng 2 dài hạn. Chính vì điều này, nếu theo đúng sóng Elliott thì REE sẽ chỉ chạm hoặc cắt nhẹ MA200 chứ không thể vượt xa lên khỏi MA200 và trụ lại trên vùng MA200 được. Hiện nay REE đang ở mức MA200, khả năng tăng cao đã không còn nhiều mà khả năng giảm mạnh thì lại có. Hãy cẩn thận với cổ phiếu REE trong giai đoạn này.

Trong một trường hợp khác (goi là trường hợp 2 nhé) chúng ta có thể xem xét cổ phiếu REE như sau:

Với trường hợp 2, thì cổ phiếu REE đã kết thúc sóng 2 dài hạn và bước vào sóng 3 dài hạn. Với sóng 3 dài hạn thì được phân ra thành 5 sóng trung hạn. Dựa vào MA50, hiện chỉ cắt lên MA50 nên chỉ có sóng 1 trung hạn. Dựa vào MA14 ta thấy, hiện có sóng 1 ngắn hạn, sóng 2 ngắn hạn và sóng 3 ngắn hạn.
Vậy nếu phân tích theo trường hợp 2 ta sẽ có:
Dài hạn: sóng 3
Trung hạn: sóng 1
Ngắn hạn: sóng 3
Nếu REE ở trường hợp 2 thì việc mua REE sẽ đem lại lợi nhuận lớn vì hiện chỉ ở sóng 1 trung hạn còn tăng đến sóng 5 trung hạn, ngắn hạn thì hết sóng 3 còn sóng 5 tăng cao nữa. Nhưng trường hợp 2 không vững vàng vì sóng a trên hình vẽ chưa thật sự cắt MA50, nên ta đếm cho REE một sóng giảm a thì chưa thật sự thuyết phục, chỉ vừa chạm MA50 thôi, nên trường hợp 2 với một số nhà phân tích TA bị bỏ qua không được xét đến và xem như chỉ có trường hợp đầu tiên là chuẩn hơn. Với những nhà phân tích TA khó tính họ chỉ đếm sóng theo trường hợp đầu tiên thôi.

Tuy nhiên, việc một cổ phiếu REE không rõ ràng như vầy thì đầu tư lúc này có phần rủi ro rất lớn nếu rơi vào trường hợp đầu tiên. Rơi vào trường hợp đầu tiên thì sóng b đã hết lực tăng còn giảm về sóng c chúng ta sẽ thiệt hại nhiều. Chúng ta hãy đợi mọi thứ rõ ràng hơn hẳn vào hàng REE. Trên thị trường còn nhiều mã rất rõ ràng cho chúng ta lựa chọn, chúng ta đừng chơi ván bài may rủi với cổ phiếu REE.

Tóm lại: theo sóng Elliott REE chưa hẳn là một cổ phiếu tốt để đầu tư lúc này.

Vì bài học này dạy đếm sóng REE nên chúng ta sẽ dừng lại ở đây là đủ rồi. Để đi sâu hơn xem trường hợp nào sẽ dễ xảy ra hơn chúng ta cần phải đợi thêm xem REE có vượt nổi MA200 không, hoặc phân tích thêm cơ bản, cũng như xem quá trình tích lũy cổ phiếu này ở các nhà đầu tư tổ chức như thế nào, hoặc bạn cũng có thể kết hợp và theo dõi thêm MACD và RSI v.v... Mình xin khép bài học này tại đây và để ngõ câu trả lời trường hợp đầu tiên hay trường hợp 2 sẽ chính xác hơn. Vấn đề quan trọng ở bài học này giúp các bạn có thêm ví dụ về cách đếm được sóng dài hạn, trung hạn và ngắn hạn của cổ phiếu.